Gương thanh niên vượt khó ở xã Hành Thiện
Anh Phạm Thịnh (35 tuổi), ở thôn Ngọc Sơn, xã Hành Thiện là một trong những thanh niên tiêu biểu về tinh thần phát huy sức trẻ, khát vọng làm giàu, tận dụng được tiềm năng, lợi thế quỹ đất gò đồi ở địa phương, sự tiếp sức của Ngân hàng CSXH huyện, tổ chức Đoàn, chính quyền địa phương để phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả; được các cấp bộ Đoàn ở huyện Nghĩa Hành biểu dương và tuyên truyền nhân rộng trong đoàn viên, thanh niên.
Anh Phạm Thịnh (35 tuổi), ở thôn Ngọc Sơn, xã Hành Thiện là một trong những thanh niên tiêu biểu về tinh thần phát huy sức trẻ, khát vọng làm giàu, tận dụng được tiềm năng, lợi thế quỹ đất gò đồi ở địa phương, sự tiếp sức của Ngân hàng CSXH huyện, tổ chức Đoàn, chính quyền địa phương để phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả; được các cấp bộ Đoàn ở huyện Nghĩa Hành biểu dương và tuyên truyền nhân rộng trong đoàn viên, thanh niên.
Dưới cái nắng gay gắt của những ngày tháng 4, dẫn chúng tôi đi tham qua mô hình tổng hợp chăn nuôi trồng cây ăn quả trên 5.000 mét vuông (vùng đất gò đồi, cằn cỗi một thời) nay đã phủ một màu tươi xanh, chúng tôi thêm cảm phục tinh thần, ý chí quyết tâm vượt khó của đôi vợ chồng thanh niên này.
Anh Thịnh nhớ lại, cách đây 6 năm, vợ chồng anh được chính quyền địa phương, các cấp bộ Đoàn, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành động viên, hỗ trợ, tiếp sức về quỹ đất, cây giống, kỹ thuật, nguồn vốn để anh thực hiện mô hình này. Đây là động lực, tiếp sức vô cùng lớn để một thanh niên khó khăn ở địa phương như anh “dám” thực hiện kế hoạch của mô hình và nuôi khát vọng làm giàu của tuổi trẻ trên chính mãnh đất gò đồi quê hương Hành Thiện.
Đến nay, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả của anh Thịnh đã cho “quả ngọt”, với diện tích lên 5.000 mét vuông, với 170 gốc bưởi da xanh đang vào giai đoạn cho quả. Bưởi da xanh của anh canh tác theo quy trình OCOP nên cung không đủ cầu, bưởi được cửa hàng trái cây trong tỉnh đặt hàng hái tại vườn. Hiện 7 con heo nái giống, sinh sản bình quân 100 con/năm, anh chuyển sang nuôi heo thịt xuất bán, sau khi trừ chi phí cho lãi từ 700 đến 800 nghìn đồng/con.
Mới đây, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành đã tiếp tục giải ngân cho anh Thịnh 60 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm để mở rộng thêm khu chăn nuôi bò lai thịt theo quy chuẩn, với 7 con/lứa, với mục đích lấy ngắn nuôi dài, nguồn thu nhập từ chăn nuôi để chi tiêu trong gia đình hằng ngày và tái đầu tư cho diện tích cây ăn quả.
Không chỉ học hỏi phát triển kinh tế cho gia đình mình, bản thân anh Thịnh luôn sẵn sàng hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm cho thanh niên, các hộ gia đình khó khăn ở địa phương để vươn lên cùng nhau có cuộc sống khấm khá hơn trên chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
Ông Đỗ Văn Kha – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện cho biết: Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với Huyện Đoàn đã đưa trên 31 tỷ đồng tiếp sức hộ gia đình thanh niên phát triển kinh tế, với 537 hộ còn dư nợ; trong đó thanh niên Phạm Thịnh là gương tiêu biểu ở huyện về sử dụng hiệu quả vốn vay để khởi nghiệp lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp theo chủ trương xây dựng nông thôn mới ở địa phương, vận dụng thành tựu khoa học vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm của thanh niên.
Anh Bùi Anh Trí – Bí thư Huyện Đoàn cho biết: Thời gian tới Huyện Đoàn tiếp tục phối hợp tìm kiếm, kết nối việc làm cho thanh niên trên địa bàn nông thôn. Nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm vay vốn của Ngân hàng CSXH qua Đoàn thanh niên xã, thị trấn để cho thanh niên, mô hình thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhanh, nhiều hơn nữa. Qua đó, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện”./.